DIỆT BỌ PHẤN TRẮNG TRÊN CÂY CÀ CHUA BẰNG THIÊN ĐỊCH

Thứ năm - 09/09/2021 22:05   1890
Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Nông nghiệp Công nghệ cao TPHCM đã nghiên cứu ứng dụng bọ xít bắt mồi (Orius sp.) và nhện nhỏ bắt mồi (Amblyseius sp.) để phòng trừ bọ phấn trắng (Bemisia tabaci) trên cây cà chua bi trồng trong nhà màng.

Cà chua bi là một trong những cây trồng bị nhiều loại sâu bệnh gây hại, dù được trồng trong nhà màng, vẫn bị một số côn trùng nhỏ gây hại như bọ trĩ, nhện đỏ, bọ phấn. Trong đó bọ phấn trắng là đối tượng gây hại chủ yếu và truyền bệnh xoăn lá, làm ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng trái cà chua bi.

Để phòng trừ bọ phấn trắng, biện pháp phòng trừ thông thường là phun thuốc bảo vệ thực vật. Tuy nhiên, việc sử dụng nhiều thuốc bảo vệ thực vật trong thời gian dài và liên tục gây nên hiện tượng kháng thuốc, ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe người sản xuất và tiêu dùng. Vì vậy, sử dụng thiên địch ký sinh là một biện pháp phòng trừ sinh học được lựa chọn trong giai đoạn hiện nay. Hướng đi này được nhiều nước trên thế giới nghiên cứu, sử dụng đã lâu, tuy nhiên còn ít được chú trọng ở Việt Nam.

Bọ xít và nhện nhỏ bắt mồi được nhóm nghiên cứu thu thập trong tự nhiên tại các vùng trồng rau của TPHCM, sau đó nhân nuôi trong phòng thí nghiệm, ở điều kiện nhiệt độ 27ºC ± 2 và độ ẩm 75% ± 2.

Bọ xít (trái) và nhện nhỏ ăn bọ phấn trắng. Ảnh: NNC

Thả nhện nhỏ với số lượng 2 con/cây tương đương với 4.000 con/1.000m² vào vườn cà chua bi trong nhà màng. Đối với bọ xít, thả với mật độ 1 con/cây hoặc 2.000 con/1.000m². Nhện nhỏ và bọ xít phóng thả là những con đã trưởng thành.

Kết quả cho thấy, tỷ lệ cây bị bọ phấn khi dùng nhện nhỏ và bọ xít là 4,35 – 4,58%. Nếu sử dụng thuốc hóa học, tỷ lệ này từ 3,2 - 3,6%, không sử dụng biện pháp nào thì tỷ lệ cây bị bọ phấn từ 30 - 40%. Ngoài ra, năng suất và chất lượng trái khi dùng hai loại thiên địch nói trên không thay đổi so với sử dụng biện pháp hóa học.

Hiện nhóm nghiên cứu đã xây dựng quy trình (nhân nuôi, phóng thả bọ xít và nhện nhỏ bắt mồi), có thể chuyển giao ứng dụng cho các cá nhân, tổ chức có nhu cầu sản xuất nông nghiệp an toàn.

Tác giả bài viết: Kiều Anh

Nguồn tin: khoahocphattrien.vn

LIÊN KẾT
Thống kê truy cập
  • Tổng lượt truy cập2,842,189
  • Đang truy cập17
  • Hôm nay3,047
  • Tháng hiện tại57,798
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây