Chiến lược quản lý bệnh hại tổng hợp

Thứ năm - 26/11/2020 23:13   1360
Việc xây dựng một chương trình hay chiến lược quản lý bệnh hại tổng hợp (Integrated Disease Management - IDM) đòi hỏi phải hiểu biết về tác nhân gây bệnh (sự tồn tại, con đường xâm nhiễm, sự lan truyền, các yếu tố môi trường đến sự tồn tại, …). Song song, cũng cần hiểu biết về sự tác động của các biện pháp canh tác, hệ thống canh tác như độc canh (cây trồng lâu năm hay các cây trồng tập trung với diện tích lớn: sầu riêng, xoài, dứa, thanh long, …) hay luân canh (nhiều vụ cây trồng mỗi năm, như các loại rau cùng với lúa nước hoặc ngô) hay xen canh (ổi và cây có múi; dừa và cây có múi; …)
Chiến lược quản lý bệnh hại tổng hợp

1. Luân canh:

          Luân canh là biện pháp quan trọng trong IDM ở các hệ thống canh tác luân canh với trồng rau màu nhằm giảm thiểu lượng vi sinh vật gây bệnh tồn tại trong đất. Ví dụ, chương trình luân canh nhằm hạn chế bệnh héo vi khuẩn (Ralstonia solanacearum) là ớt - bắp - đậu - khổ qua được cho là rất thành công nhưng nếu trồng luân canh gồm ớt - cà chua - cà tím - khổ qua sẽ làm cho bệnh héo vi khuẩn thêm trầm trọng hơn.
Nhiều cỏ dại đóng vai trò là những ký chủ phụ, là ký chủ cho các côn trùng là vectơ truyền virút. Cỏ dại mẫn cảm với bệnh cần được phòng trừ trong quá trình luân canh. Biện pháp luân canh không hiệu quả trong việc phòng trừ các bệnh lan truyền nhờ gió từ khoảng cách xa như cháy lá, phấn trắng và gỉ sắt.

2. Giống sạch bệnh:

            Việc sử dụng hạt và cây giống sạch bệnh là hết sức cần thiết. Cây giống thường bị nhiễm tác nhân gây bệnh tồn tại trong đất, có thể phát triển và lan rộng ra những khu vực mới.
Sử dụng giống kháng bệnh là một biện pháp phòng trừ bệnh hiệu quả. Việc ghép những giống cây trồng với tính trạng mong muốn nhưng mẫn cảm với bệnh lên gốc của giống kháng bệnh là một biện pháp hiệu quả ngăn ngừa những bệnh do tác nhân tồn tại trong đất gây ra. Biện pháp này được áp dụng phổ biến trên cây ăn quả.

3. Quản lý cây trồng:            

          - Thay đổi thời gian vụ trồng để tránh những giai đoạn thời tiết mưa và lạnh thuận lợi cho sự phát triển của nhiều bệnh ở giai đoạn cây con
        - Dinh dưỡng cho cây là điều quan trọng vì cây trồng khỏe mạnh với bộ rễ khỏe có thể chịu đựng được một số tác nhân gây bệnh. Phân bón hữu cơ (nhất là phân gà) có thể ngăn chặn sự phát triển của một số nấm bệnh trong đất (như Phytophthora).
       - Các tàn dư hữu cơ trên mặt đất, như trấu, có thể làm tăng một số bệnh; chẳng hạn như Sclerotium rolfsii có thể phát triển mạnh hơn nếu có tàn dư hữu cơ trên mặt đất. Tuy nhiên, tàn dư hữu cơ và phân bón hữu cơ lại có tác dụng cải thiện cấu trúc đất, làm cho bộ rễ phát triển mạnh hơn.
        - Quản lý tưới tiêu để hạn chế gây sốc cho cây trồng; và thoát nước tốt là biện pháp phòng trừ chủ yếu trong các chương trình IDM. Đối với cây trồng cạn, đất úng nước tạo điều kiện thuận lợi cho sự di chuyển của tác nhân gây bệnh trong nước, sự phát sinh và phát triển các bệnh ở rễ. Thế nhưng để ruộng lúa ngập nước trong quá trình trồng lúa sẽ làm giảm mật độ một số tác nhân gây bệnh tồn tại trong đất.

4. Vệ sinh:

          Việc thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp vệ sinh rất cần thiết trong các vườn ươm cây giống, sản xuất rau và hoa có giá trị trong nhà lưới hay các vườn chuyên canh cây ăn trái.
Các biện pháp vệ sinh bao gồm: giữ gìn đất sạch bệnh; sử dụng nguồn giống sạch bệnh; khử trùng bàn, giá và các chậu trồng cây; khử trùng các thiết bị; kiểm tra đều đặn xem các cây trồng có dấu hiệu nhiễm bệnh; loại bỏ và đốt các cây bị bệnh; loại bỏ đất bị nhiễm bệnh

5. Thuốc trừ nấm:

             Giám định chính xác các bệnh nấm trước khi lựa chọn thuốc trừ nấm. Các nấm bệnh khác nhau đòi hỏi sử dụng các thuốc trừ nấm khác nhau. Ví dụ, bệnh sương mai cần sử dụng thuốc trừ nấm khác hoàn toàn với bệnh phấn trắng. Dịch bệnh của nấm gây bệnh bộ lá, như đốm lá, gỉ sắt và sương mai, phát triển nhanh trong những điều kiện lá ướt và nhiệt độ thích hợp. Những nấm bệnh này sản sinh ra vô số bào tử, lan truyền dễ dàng nhờ gió và/hoặc mưa trong và giữa các ruộng trồng.
             Cần theo dõi thời tiết, dự tính dự báo và thường xuyên thăm vườn; phun thuốc trừ nấm khi bệnh vừa chớm để có hiệu quả cao. Nhằm giảm thiểu nguy cơ kháng thuốc ở nấm bệnh, cần giảm thiểu số lần phun thuốc trừ nấm trong mỗi mùa vụ, chọn đúng thuốc, luân phiên dùng thuốc trừ nấm bảo vệ và thuốc đặc hiệu, phun thuốc trừ nấm ở nồng độ khuyến cáo với khoảng cách đồng đều.

6. Kiểm dịch:

           Các biện pháp kiểm dịch rất hữu ích trong việc loại trừ các tác nhân gây bệnh ngoại lai từ một quốc gia hoặc một vùng.

Tác giả bài viết: Thùy Linh tổng hợp

Nguồn tin: Cẩm nang chẩn đoán bệnh cây ở Việt Nam

LIÊN KẾT
Thống kê truy cập
  • Tổng lượt truy cập2,702,560
  • Đang truy cập13
  • Hôm nay980
  • Tháng hiện tại40,609
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây