Thông thường, nông dân tưới tiêu cho cây trồng theo lịch trình nhất định, việc bón phân và thuốc trừ sâu cũng vậy.
Mặc dù điều này cho phép nông dân chủ động, nhưng cũng có nghĩa là họ đang sử dụng nước, phân bón và thuốc trừ sâu khi không nhất thiết phải làm như vậy. Kết quả là, họ không chỉ phải chi nhiều tiền hơn và làm việc chăm chỉ hơn mức cần thiết, mà còn đưa các hóa chất không thân thiện với môi trường vào môi trường một cách không cần thiết. Đó là mục đích để công nghệ InnerPlant ra đời.
Công nghệ này tập trung vào các cây trồng đã được công ty InnerPlant có trụ sở tại California biến đổi gen. Khi những cây này bắt đầu ở trong giai đoạn căng thẳng, chúng tạo ra các protein huỳnh quang. Màu sắc này không thể nhìn thấy bằng mắt thường, nhưng có thể được ghi lại bằng các camera đặc biệt trên vệ tinh.
Tùy thuộc vào màu sắc mà chúng phát quang (có ba màu), có thể biết được cây đang bắt đầu thiếu nước, có mầm bệnh hay thiếu chất dinh dưỡng. Nông dân có thể truy cập dữ liệu này thông qua cổng thông tin trực tuyến, sau đó thực hiện hành động thích hợp.
InnerPlant đã sản xuất một cây cà chua phát quang - được đặt tên là InnerTomato - hiện đang được thử nghiệm trên các cánh đồng ở California. Công ty cũng đang nghiên cứu về cây đậu nành và có kế hoạch phát triển các loại cây trồng khác với sự hợp tác của các đối tác trong ngành.
Giám đốc điều hành Shely Aronov cho biết, hạt giống của loại cây này không đắt hơn các loại cây trồng thông thường và bản thân cây trồng phải giống với các giống thông thường về các yếu tố như tốc độ phát triển, độ cứng và năng suất.
Tùy thuộc vào các rào cản quy định phải vượt qua, phiên bản thông thường của InnerTomato có thể được cung cấp cho nông dân trong một năm tới, nếu công ty quyết định thương mại hóa nó. Còn cây đậu nành có thể được tung ra thị trường sau đó một năm.
Bà Aronov nói: “Chúng ta không có bất kỳ đổi mới đáng kể nào trong nông nghiệp quy mô lớn trong 20 hoặc 30 năm qua. Đã đến lúc làm điều gì đó mới mẻ".
Tác giả bài viết: HỒNG LÊ
Nguồn tin: Báo Nhân Dân điện tử