Các giải pháp kỹ thuật trong canh tác cây ăn quả đang chịu ảnh hưởng của hạn mặn và giải pháp phục hồi sau hạn mặn

Thứ ba - 28/04/2020 06:11   772
Theo báo cáo của Cục Trồng trọt nếu tình hình diễn biến mặn gay gắt và kéo dài đến hết tháng 3 thì diện tích CAQ có khả năng bị hạn, xâm nhập mặn là 80,6 nghìn ha (khoảng 23% tổng diện tích cây ăn quả toàn vùng) của các tỉnh ven biển sẽ có nguy cơ bị ảnh hưởng.
Các giải pháp kỹ thuật trong canh tác cây ăn quả đang chịu ảnh hưởng của hạn mặn và giải pháp phục hồi sau hạn mặn
Đến nay có 8 ha cây ăn quả gồm bưởi, cam, sầu riêng, đu đủ bị thiệt hại tại các tỉnh Cà Mau (4 ha), Sóc Trăng (4 ha). Ngoài ra nhiều vườn sản xuất giống cây ăn trái tại Bến Tre, Tiền Giang đã hết nước ngọt tưới, phải vận chuyển nước từ nơi khác đến để tưới cây. Chính vì vậy, các giải pháp kỹ thuật chính trong canh tác CAQ đang chịu ảnh hưởng hạn mặn được khuyến cáo cho bà con nông dân áp dụng nhằm hạn chế ở mức thấp nhất những thiệt hại do hạn mặn xảy ra cho CAQ.
 GIẢI PHÁP KỸ THUẬT TRONG CANH TÁC CÂY ĂN QUẢ ĐANG CHỊU ẢNH HƯỞNG CỦA HẠN MẶN
- Thường xuyên cập nhật thông tin về dự báo tình hình xâm nhập mặn, nồng độ mặn trên các sông, rạch để có hướng xử lý kịp thời ngăn chặn nước mặn hoặc tranh thủ lấy nước ngọt vào vườn. 
- Đối với một số cây ăn quả mẫn cảm với mặn như sầu riêng, chôm chôm, măng cụt…không tưới nước có độ mặn > 0,5‰. 
- Trong thời gian nhiễm mặn chỉ tưới nước tối thiểu, giúp cho cây không bị héo và mặt đất không bị khô nứt (kéo dài thời gian giữa hai lần tưới, giảm số lần tưới và lượng nước tưới). Khuyến cáo sử dụng tưới nước tiết kiệm (tưới nước nhỏ giọt, tưới phun,..) 
- Để giảm nhu cầu cần nước của cây trong thời điểm hạn mặn, bà con nông dân cần cắt tỉa những cành vô hiệu, cành bên trong tán, cành ốm yếu, bị sâu bệnh, tỉa bớt hoa và quả trong giai đoạn này.
- Tủ gốc giữ ẩm cho cây bằng lá dừa nước, rơm rạ, lục bình, cỏ khô,… để giảm bốc thoát hơi nước. 
- Thu gom các lá cây nhiễm bệnh, xác bã thực vật (trái non, cỏ rác, cành cây)  trong mương để tránh ô nhiễm nguồn nước từ lá cây bị bệnh và xác bã thực vật phân hủy. 
- Không nên xử lý cây ra hoa trong giai đoạn hạn mặn nếu nguồn nước tưới không đảm bảo cung cấp đầy đủ cho cây khi đậu quả và phát triển quả.  
- Có thể phun phân bón lá có chứa Kali (ví dụ KNO3 vời liều lượng 10g/lít nước), Canxi, Magiê, Silic giúp cây tăng sức đề kháng, tăng khả năng chịu hạn, chống chọi với nhiễm mặn, cứng cây, không đổ ngã. - Phun các chế phẩm có chứa Brassinosteroid (Hormon thực vật), các acid amin như Proline (liều lượng theo khuyến cáo của nhà sản xuất) theo để tăng tính chống chịu của cây trồng đối với mặn.
- Cần quản lý tốt sâu bệnh hại, nhất là bệnh thối rễ gây hại trên nhiều đối tượng cây trồng (Cây có múi, thanh long, vú sữa, sầu riêng và ổi). Các dòng vi sinh vật có ích như nấm  Trichoderma, xạ khuẩn Streptomyces, Pseudomonas, vi khuẩn Bacillus có tác dụng kiềm hãm sự phát triển của tác nhân gây hại, kích thích sự sinh trưởng của hệ thống rễ và giúp phục hồi vườn cây. 
GIẢI PHÁP PHỤC HỒI VƯỜN CÂY ĂN QUẢ SAU HẠN MẶN 
Sau hạn, mặn cần kiểm tra tình trạng, đánh giá thiệt hại trên vườn cây ăn quả, từ đó đề ra kế hoạch để phục hồi vườn cây. Nếu vườn có nhiều cây chết hoặc tỷ lệ cây bị thiệt hại nặng thì nên phá bỏ, trồng lại hay chuyển sang cây trồng khác.
Nếu hạn, mặn chỉ làm ảnh hưởng đến sinh trưởng, phát triển một số cây/vườn và việc duy trì vườn cây vẫn còn hiệu quả thì tiến hành trồng dặm, hoặc chăm sóc để hồi phục vườn cây càng nhanh càng tốt. Việc đánh giá thiệt hại của từng cây trên vườn rất quan trọng nhằm lựa chọn giải pháp chăm sóc phù hợp. Có thể chia ra hai mức: 
+ Tán cây thiệt hại nhiều, cần chăm sóc cây như giai đoạn kiến thiết cơ bản nhằm phục hồi tán cây, không để ra quả.
+ Tán cây thiệt hại không nhiều, chăm sóc cây như giai đoạn mang quả để cây có thể ra hoa, đậu quả. 
Tùy theo mức độ ảnh hưởng của mặn và mức độ thiệt hại của cây ăn quả trên vườn mà chúng ta có các giải pháp chăm sóc phù hợp để giúp cây sớm phục hồi như sau:
- Cắt tỉa những cành khô héo, cành chết do ảnh hưởng của mặn, cành ốm yếu, cành bị sâu bệnh.  
- Cần mạnh dạn tỉa bỏ bớt hoặc toàn bộ số quả trên cây tùy theo mức độ lá bị rụng ít hay nhiều do ảnh hưởng của mặn. Nếu chúng ta tiếp tục để quả trên cây trong điều kiện này thì hệ thống rễ đã bị thiệt hại do mặn nên khả năng hấp thu dinh dưỡng để nuôi quả bị giảm mạnh dẫn đến chất lượng quả kém, đồng thời góp phần làm suy kiệt cây, trường hợp nặng sẽ dẫn đến chết cây.
- Sử dụng nguồn nước ngọt để tưới nhằm rửa trôi lượng muối đã tích tụ trong đất, giúp bộ rễ cây sớm phục hồi.
-Do mặn làm bộ rễ cây bị hư hại nặng nên cần sử dụng các chế phẩm sinh học để tưới vào đất kích thích cây ra rễ non, đồng thời sử dụng phân bón có nguồn gốc hữu cơ-sinh học phun lên tán cây để hỗ trợ kịp thời nguồn dinh dưỡng cho bộ lá non phát triển, kế đến bón phân hữu cơ hoai mục để cung cấp thêm dinh dưỡng cho đất và cây trồng. Khi bộ rễ mới cơ bản được hình thành thì sử dụng phân lân, phân NPK và bổ sung các dinh dưỡng trung, vi lượng sẽ giúp cây sớm hồi phục hơn. - Không nên xử lý ra hoa đối với những cây bị rụng lá vừa mới phục hồi (tức là bộ lá mới hình thành nhưng chưa phát triển đầy đủ), chỉ xử lý ra hoa đối với những khỏe mạnh (biểu hiện qua bộ tán lá xanh tốt).  
- Không nên xử lý cho cây ra quá nhiều hoa sẽ dẫn đến tỷ lệ rụng hoa, rụng quả non cao vì cây vừa trải qua giai đoạn ảnh hưởng mặn, nên bộ rễ còn yếu, khả năng hấp thu nước và dinh dưỡng chưa mạnh để nuôi nhiều hoa, quả. 
 - Việc sử dụng hóa chất cũng cần thận trọng, nhất là tưới gốc vì hệ thống rễ còn yếu do vừa trải qua giai đoạn hạn, mặn.  
- Phun/tưới các chế phẩm có nguồn gốc hữu cơ, nhất là chế phẩm có chứa các acid amin như Proline, Alanine, Leucine để tăng tính chống chịu, cải thiện chất lượng của trái cây.

Tác giả bài viết: TS. Võ Hữu Thoại

Nguồn tin: SOFRI

LIÊN KẾT
Thống kê truy cập
  • Tổng lượt truy cập2,340,504
  • Đang truy cập17
  • Hôm nay4,538
  • Tháng hiện tại69,162
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây