Bệnh thối rễ, chết cành hại cây mãng cầu xiêm và biện pháp phòng trị

Thứ năm - 15/10/2020 08:15   4130
Hai bệnh này có thể xuất hiện riêng lẻ, hoặc xuất hiện đồng thời với nhau.
Triệu chứng cây mãng cầu xiêm bị bệnh chết cành, loét thân
Triệu chứng cây mãng cầu xiêm bị bệnh chết cành, loét thân
1. Triệu chứng bệnh
        - Bệnh thối rễ: Lá vàng nhợt nhạt, héo úa và rụng dần trên một số hay phần lớn các cành dẫn đến hiện tượng cây bị trơ cành, chết dần từng cành, thương tổn thân và sau đó chết cả  cây. Rễ tơ và rễ cái đều bị hại tử, thối đen lốm đốm.
       - Bệnh chết cành: Những cành nhỏ bên ngoài ngọn cành chết trước, sau đó tấn công ngược vào cành chính, gây chết những cành lớn hơn. Bề mặt vết bệnh hơi lõm xuống vỏ cành nứt dọc, hệ thống mạch dẫn hóa nâu với hình dạng cái nêm hay có những sọc đen chạy dọc thân hay cành mãng cầu xiêm.
2. Nguyên nhân gây bệnh
       Bệnh thối rễ do nấm Calonectria variabilis (Họ Nectriaceae, Bộ Hypocreales) và tuyến trùng Pratylenchus spp. gây ra. Khi có sự xuất hiện đồng thời của tuyến trùng và nấm thì bệnh thối rễ sẽ xảy ra nặng hơn.
        Bệnh chết cành do nấm Diaphorthe phaseolorum (Họ Diaporthaceae, Diaporthales) gây chết nhánh và cành nhỏ của cây mãng cầu xiêm và nấm Lasiodiplodia pseudotheobromae (Họ Botryosphaeriaceae, Bộ Botryosphaeriales) gây chết nhánh, loét cành và thân cây mãng cầu xiêm.
Ngoài ra, cũng còn một số tác nhân không sinh học là lạm dụng thuốc làm chín trái (hoạt chất ethephon), khai thác tối đa, triệt để trái trên cây.
3. Biện pháp quản lý tổng hợp bệnh thối rễ, chết cành
Biện pháp canh tác
      - Sử dụng cây giống sạch bệnh; trồng với khoảng cách thích hợp (4x5m/cây);
      - Thường xuyên cắt tỉa và tiêu hủy cành vô hiệu, cành bị sâu bệnh
     - Cây mãng cầu xiêm cần được bón phân đầy đủ, cân đối và hợp lý vào các giai đoạn phát triển của cây
      - Cần thoát nước cho cây vào mùa mưa và tưới nước đầy đủ vào mùa nắng.
     -  Phải phủ gốc (lá mãng cầu xiêm khô, rơm rạ, cỏ khô) hay bồi bùn để giữ ẩm cho đất vào mùa khô.
      -Hàng năm, bổ sung vôi để cải thiện độ pH của đất và cung cấp thêm nguyên tố canxi cho cây; liều lượng từ 1-2 tấn/ha, nên bón vào đầu và cuối mùa mưa.
     - Tránh để quá nhiều trái trên cây; hạn chế tạo vết thương cho vỏ hay thân cây; cần cô lập, cách ly với những vườn bị nhiễm để tránh sự phát tán của nấm, tuyến trùng từ vườn này sang vườn khác thông qua nguồn nước.
    - Hạn chế tối đa làm chính trái bằng kỹ thuật chấm thuốc Ethephon (HPC-97) trực tiếp lên cuống trái ở nồng độ nguyên chất.
Biện pháp sinh học
     - Rải phân hữu cơ kết hợp với nấm  Paecilomyces spp. và chế phẩm Trichoderma (20-100 g cho mỗi loại) cho mỗi cây.
     - Trồng cây phân xanh, cây họ đậu hay cây vạn thọ xen canh trong vườn để lấy nguồn phân xanh và phòng trừ tuyến trùng.
Biện pháp hóa học
      - Đối với cây bị bệnh chết cành: Cắt bỏ cành bệnh dưới vết chết, loét từ 15-50 cm (mặt cắt phải trắng, không còn sọc đen); quét hỗn hợp keo chống thấm (100cc) trộn với Mancozeb (20g) hoặc Chlorothalonil (15g); và phun toàn vườn với Mancozeb (40g/10 lít nước) hoặc Chlorothalonil (15g/10 lít nước) để tránh sự lây lan mầm bệnh.
     - Hạn chế tối đa sử dụng thuốc hóa học (thuốc trừ sâu và thuốc trừ bệnh) để rải/tưới vào đất để bảo tồn và phát huy vai trò của nhện thiên địch cũng như các loại vi sinh vật đối kháng với các loại nấm bệnh. Trong trường hợp bệnh thối rễ cần xử lý nấm bệnh và tuyến trùng thì có thể tưới (cần xới nhẹ đất xung quanh tán cây) hoặc bơm (phải có cần sục gốc) vào vùng rễ cây hỗn hợp dung dịch thuốc từ 5 lít – 20 lít nước/cây (tùy thuộc vào tuổi cây, loại cây). Quá trình thực hiện như sau:
     + Xử lý tuyến trùng 02 lần. Lần 1 là lúc sau khi vệ sinh vườn và lần 2 cách lần 1 khoảng 3 tháng bằng hoạt chất Abamectin+Thiamethoxam (Solvigo/Tervigo), liều lượng khuyến cáo.
      + Tưới hoặc bơm thuốc trị nấm gốc: Lần 1: (Sau khi xử lý tuyến trùng lần 1) Sử dụng từ 5 - 10 lít dung dịch thuốc/gốc (tùy tuổi cây, tưới theo toàn bộ diện tích tích có rể ăn tới) bằng hoạt chất Chlorothalonil (15g/10 lít nước) hoặc Tebuconazole + Trifloxystrobin (3g/ lít nước) vào thời điểm ngay sau khi thu hoạch. Lần 2: Sau lần thứ nhất 20 ngày.
    - Phun thuốc trừ sâu ở các giai đoạn cây ra đọt non hoặc ra hoa như: rầy xanh và sâu ăn lá, rệp sáp, rệp vãy, rệp bông, rầy xanh, bọ xít muỗi (nhất là trong mùa nắng), sâu đục trái, sâu cạp vỏ trái, ruồi đục quả, nhện đỏ.
*Trường hợp vườn bị nhiễm nặng: Đối với những cây bệnh quá nặng cần đốn bỏ, loại bỏ gốc, thu gom hết rễ đốt, xới đất và xử lý đất vùng rễ cây bệnh với vôi, tủ nilong trắng trong và phơi nắng một thời gian (2 - 3 tháng). Sau đó, trồng luân canh với một trong các loại cây (cây họ đậu, ổi, …) không phải là cây kí chủ của tuyến trùng và nấm sẽ mang lại hiệu quả kinh tế.

Tác giả bài viết: ThS. Đặng Thùy Linh

Nguồn tin: SOFRI

LIÊN KẾT
Thống kê truy cập
  • Tổng lượt truy cập2,265,353
  • Đang truy cập6
  • Hôm nay2,577
  • Tháng hiện tại76,287
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây