Bảo tồn nguồn gen là một trong những công tác quan trọng trong lĩnh vực giống cây trồng (đây là lĩnh vực đang rất được quan tâm và chú trọng). Đối với cây hoa, cây cảnh và những cây trồng quý hiếm có giá trị dược liệu hoặc có giá trị thương mại cao thì việc bảo tồn in vitro được xem là một giải pháp để lưu giữ nguồn gen hiệu quả nhất, giúp chủ động bảo tồn và nhân nhanh kịp thời nguồn giống cho sản xuất khi có nhu cầu.
Trong nước đã có các đơn vị nghiên cứu về lĩnh vực bảo tồn nguồn gen hoa và cây cảnh như Viện Di truyền Nông nghiệp, Trung tâm Tài nguyên Thực vật, Trung tâm Khoai tây, Rau và Hoa Đà Lạt... Viện Cây ăn quả miền Nam, từ năm 2004 đến nay, đã thu thập và lưu giữ được một số nguồn gen hoa thuộc các chủng loại hoa như cúc, đồng tiền, chuông, dứa cảnh, lan sò, lan, dạ yên thảo, hoa tím Ba Tư, hồng ...bằng cả 2 hình thức lưu giữ in vitro và lưu giữ trong điều kiện nhà lưới.
Đối với hoa hồng, đến nay Viện đã bảo tồn được hơn 10 giống hoa hồng truyền thống và nhập nội được thu thập từ làng hoa Sa Đéc (Đồng Tháp) như hồng Lửa, hồng hai da, hồng Tường vi, hồng tím ruốc, hồng Red Eden ... và các cá thể đột biến thu thập được.
Nguồn gen lưu giữ in vitro được thực hiện trên môi trường MS (Murashige và Skoog, năm 1962) có bổ sung thêm các chất điều hoà sinh trưởng. Công tác lưu giữ đảm bảo ít nhất 3 bình/mẫu nguồn gen, cấy chuyền định kỳ đảm bảo cho nguồn gen sạch mầm bệnh, phát triển tốt và an toàn.
Từ những nghiên cứu đầu tiên thành công trong việc bảo tồn in vitro và nhân nhanh một số giống hoa hồng không những mở ra triển vọng mới trong nghiên cứu chọn tạo giống mà còn có cơ hội ứng dụng các công nghệ tiên tiến vào sản xuất giống hoa hồng chất lượng cho vùng đồng bằng sông Cửu Long
Quá trình bảo tồn, lưu giữ và nhân nhanh in vitro một số giống hoa hồng tại phòng nuôi cấy mô