Viện cây ăn quả

https://sofri.org.vn


VAI TRÒ CỦA TRÙN ĐẤT ĐỐI VỚI SẢN XUẤT NÔNG NGHIỆP

Trùn đất hay giun đất thường sống ở những khu vực đất ẩm ướt, ruộng đồng, nương rẫy, đất hoang sơ,...Thức ăn của trùn đất bao gồm chất thực vật, động vật nguyên sinh sống, luân trùng, tuyến trùng, vi khuẩn, nấm và các vi sinh vật khác. Trùn đất là tên gọi chung cho tất cả các loại trùn sinh sống trên địa cầu này. Trên thế giới hiện có khoảng 4.400 loài trùn đất khác nhau đã được định danh. Dựa vào kích thước và tập tính loài, chúng được phân thành 3 nhóm chính: 1) Trùn đỏ hay trùn ăn phân: Gồm các loài như Eisenia foetida (trùn hổ đỏ), Eudrilus eugenie (nigerian), Perionyx excavatus (trùn quế)…. tập tính ăn của chúng thường là trên bề mặt đất với tất cả các loại chất hữu cơ, xác và chất thải động vật. 2) Trùn mồi câu hay trùn đào đất: Gồm các loài như Lumbricus terrestris (trùn hổ), Polypheretima elongata (trùn dài), Lampito maruti…. Chúng sống theo hàng thẳng đứng trong đất, có khi đào hang sâu trong lòng đất cả 3m. Chúng ăn cả chất hữu cơ và khoáng chất trong đất, sau đó thải phân trên khắp hang chúng đi. 3) Trùn ăn khoáng: Gồm các loài như Pentoscolex sp., Eutopeius sp., Drawida sp… đây là giống trùn có tập tính ăn các khoáng chất trong đất hơn là chất hữu cơ.
trun
Hình: Trùn cơm
Trùn đất là một trong những động vật quan trọng nhất trong đất. Chúng có khả năng duy trì độ phì nhiêu của đất và do đó đóng một vai trò quan trọng trong sự bền vững. Chúng được xem là bạn của nông dân, người cày ruộng, ruột của trái đất, kỹ sư sinh thái và chỉ thị sinh học. Các lợi ích của trùn đất đối với sản xuất nông nghiệp có thể kể đến như sau:
- Trùn đất duy trì các đặc tính hóa lý của đất bằng cách chuyển đổi các vật liệu phân hủy sinh học và chất thải hữu cơ thành các sản phẩm giàu dinh dưỡng.
- Cải thiện chu trình dinh dưỡng trong đất, trùn đất kích thích hoạt động của vi sinh vật, trộn và kết tụ đất, tăng hàm lượng nước trong đất và khả năng giữ nước của đất. Tác động lẫn nhau của trùn đất và vi sinh vật mang lại sự phân hủy nhanh hơn vì trùn đất giúp tăng cường diện tích bề mặt của chất hữu cơ cho hoạt động của vi sinh vật.
- Phân trùn đất có tác dụng làm tăng tính chịu nước, tăng lượng mùn, tăng các  muối khoáng dễ tiêu cho cây. Chất khoáng cứng như phân vô cơ trong lòng đất sâu sẽ được chuyển đến rễ cây. Khi trùn ăn trong đất, các chất hữu cơ cũng như vô cơ được trộn đều trong bộ tiêu hoá của chúng. Qua đó đất có một hỗn hợp cân bằng giữa chất đất sét và chất mùn cũng như nước, không khí và chất dinh dưỡng. Chất thải của trùn chứa nhiều chất dinh dưỡng cho cây hơn. Ðem phân tích, thì phân thải có chứa nhiều đạm gấp 5 lần, nhiều lân gấp 7 lần, nhiều kali gấp 11 lần cũng như nhiều Ma-giê gấp 3 lần so với đất thường. Như vậy trùn đóng một vai trò rất quan trọng trong việc tạo chất dinh dưỡng cho cây trồng. 
- Chúng góp phần chuyển từ môi trường chất chua hoặc kiềm về môi trường trung tính thích hợp cho cây, chúng đẩy mạnh hoạt động của vi sinh vật có ích cho đất.
- Các hang của trùn đất hoạt động như một kênh cho sự phát triển của cây và là con đường cho sự vươn dài của rễ, đặc biệt là trong các khu vực đất bị nén chặt. Nó làm cho đất tơi xốp, tăng tốc độ thấm nước và giảm xói mòn đất và giúp không khí hòa tan trong đất nhiều hơn, giúp rễ cây nhận được nhiều oxy hơn để hô hấp.
- Một số nghiên cứu thậm chí còn báo cáo rằng trùn đất giải phóng một số chất chuyển hóa, chẳng hạn như vitamin B và vitamin D vào đất, rất tốt cho sự phát triển của cây trồng. Nhiều nghiên cứu cũng báo cáo rằng trùn đất có thể chuyển đất cằn cỗi thành đất màu mỡ và tăng sản lượng nông nghiệp.
- Ngoài ra, trùn còn đóng một vai trò khác nữa trong lúc ăn. Trùn là loại diệt vi sinh vật gây bệnh rất hữu hiệu. Khi ăn lá cây chúng ăn và tiêu hoá luôn những mầm nấm mốc... Phân của chúng là môi trường tốt để các loại vi sinh hữu ích phát triển. Các loại này tạo ra các chất có thể ngăn chặn các loại vi sinh vật gây hại cho cây trồng.
Trùn là bạn đồng hành có thể giúp chúng ta giữ đất đai được màu mỡ và từ đó mùa màng thuận lợi và năng suất thu hoạch sẽ được cao hơn.

Tác giả bài viết: Huỳnh Thanh Lộc

Nguồn tin: SOFRI:

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây