Viện cây ăn quả

https://sofri.org.vn


HOA CẤY MÔ MANG LẠI HIỆU QUẢ KINH TẾ

Nuôi cấy mô và tế bào thực vật đã được nghiên cứu đầu tiên vào năm 1902. Cho đến nay, lĩnh vực này không những phát triển nhanh chóng mà còn đóng góp rất lớn vào sự phát triển của sinh học và nông nghiệp hiện đại. Hầu hết các phương pháp hiện đại trong chọn, tạo giống, nhân giống, giữ giống và phục hồi cây nhiễm virus…tất cả đều thông qua kỹ thuật nuôi cấy mô và tế bào thực vật. Nuôi cấy mô và tế bào thực vật không chỉ đóng góp cho công tác chọn tạo và nhân giống trong nông nghiệp mà còn nuôi cấy để tạo các chất biến dưỡng thứ cấp phục vụ cho ngành dược liệu, nguyên liệu cho mỹ phẩm,…

   Ở Việt Nam, nuôi cấy mô và tế bào thực vật đã được nghiên cứu trên 30 năm, nhưng thực tế ứng dụng trong sản xuất chỉ khoảng 10-20 năm trở lại đây. Hiện nay, việc ứng dụng nuôi cấy mô và tế bào thực vật đã và đang được tiếp tục nghiên cứu chuyên sâu và bước đầu đạt được nhiều kết quả rất hứa hẹn.
   Kỹ thuật nhân giống bằng phương pháp nuôi cấy mô có những ưu việt mà các phương pháp khác không có được đó là có thể nhân giống cây trồng ở quy mô công nghiệp (kể cả trên đối tượng khó nhân giống bằng phương pháp thông thường), phương pháp có hệ số nhân rất cao và cho ra các cá thể hoàn toàn đồng nhất về mặt di truyền, đồng đều về kích thước. Kỹ thuật nhân nhanh được ứng dụng vào những mục đích như duy trì và nhân nhanh các kiểu gen quý làm vật liệu cho công tác giống; nhân nhanh các loài hoa, cây cảnh khó trồng bằng hạt; duy trì nhân nhanh các dòng bố mẹ và các dòng lai để tạo hạt giống cây rau, hoa và cây trồng khác; nhân nhanh kết hợp với làm sạch virus; bảo tồn nguồn gen. Với phương pháp này, nhiều giống cây hoa (hoa lan, cẩm chướng, cúc, đồng tiền…), cây lương thực và cây ăn quả, cây lâm nghiệp đã được phổ biến rất nhanh vào trong sản xuất.

 
Mẫu giống hoa đồng tiền (trái) và mẫu giống hoa cúc (phải) trong nuôi cấy mô

   Trong thời gian qua, Bộ môn Rau, Hoa và cây cảnh (Viện Cây ăn quả miền Nam) đã nghiên cứu bảo tồn in vitro các chủng loại hoa, cây cảnh và hoàn thiện quy trình nhân giống bằng công nghệ nuôi cấy mô cho một số giống thuộc các chủng loại hoa cúc, đồng tiền, chuông, dạ yến thảo, hồng. Từ kết quả nghiên cứu đó, trong khuôn khổ đề tài “Nghiên cứu xây dựng mô hình và chuyển giao kỹ thuật tiên tiến trong việc nhân giống và canh tác một số loại hoa (hoa cúc, hoa đồng tiền, hoa chuông và dạ yến thảo) tại thành phố Trà Vinh” năm 2015-2019, Viện đã nhân giống và chuyển giao công nghệ nuôi cấy mô trên bốn loại hoa gồm cúc, đồng tiền, chuông và dạ yến thảo cho các cán bộ Trung tâm Ứng dụng Tiến bộ KH&CN thuộc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Trà Vinh và nông dân ở làng hoa thành phố Trà Vinh.
   Kết quả nghiên cứu cho thấy việc ứng dụng công nghệ nuôi cấy mô trong nhân giống các chủng loại hoa đưa vào mô hình trồng hoa cải tiến đã giúp nông dân chủ động nguồn giống cho sản xuất, cải thiện chất lượng sản phẩm và mang lại hiệu quả kinh tế cao so với mô hình trồng hoa truyền thống.
   Mô hình trồng hoa truyền thống có bốn loại hoa được sản xuất là hoa cúc Đài Loan, cúc Tiger, vạn thọ và hoa giấy có tỷ suất lợi nhuận thấp, tức là bỏ ra chi phí 1 đồng để đầu tư thì thu được từ 0,82-1,59 đồng. Trong khi đó, ở mô hình trồng hoa cải tiến có 6 loại hoa được sản xuất là hoa cúc Đài Loan, cúc Tiger, hoa đồng tiền, chuông và dạ yến thảo có tỷ suất lợi nhuận cao hơn, tức là bỏ ra chi phí 1 đồng để đầu tư thì thu được từ 1,38- 3,36 đồng. Tỷ suất lợi nhuận của mô hình hoa đồng tiền là 3,36; hoa chuông là 2,34; hoa cúc Đài Loan là 2,12 và hoa cúc Tiger là 2,07 đ.
  Ở các mô hình sản xuất hoa cải tiến có áp dụng giống mới và kỹ thuật tiến tiến được chuyển giao đã được đánh giá có hiệu quả về kinh tế cao tính trên 1.000 chậu (lợi nhuận từ 20.151,85 ngàn đồng - 53.725,90 ngàn đồng) so mới mô hình truyền thống (lợi nhuận từ 7.385,34 ngàn đồng - 23.096,91 ngàn đồng).
   Như vậy, việc đa dạng hóa giống hoa, đưa các giống mới và kỹ thuật tiên tiến như nhân giống hoa bằng công nghệ nuôi cấy mô vào sản xuất hoa trong khuôn khổ đề tài đã mang lại hiệu quả kinh tế cho người trồng hoa ở các mô hình cải tiến được xây dựng tại làng hoa thành phố Trà Vinh. Hiện nay, hoa cấy mô ngày càng được người nông dân trồng hoa ở các tỉnh phía Nam đón nhận không chỉ bởi nhiều ưu điểm như sức sinh trưởng mạnh, độ đồng đều cao, ít sâu bệnh hại mà chất lượng hoa cũng được cải thiện cao hơn.

Tác giả bài viết: Lan Thanh

Nguồn tin: SOFRI:

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây