Viện cây ăn quả

https://sofri.org.vn


Viện Cây ăn quả miền Nam tạo đà cho trái cây đặc sản Đồng bằng sông Cửu long vươn xa

Đồng bằng sông Cửu Long không chỉ nổi tiếng là vựa lúa hàng hóa, vựa tôm cá của cả nước mà còn có thế mạnh về trồng cây ăn quả. Ước tính toàn vùng hiện có trên 288.000 ha cây ăn quả các loại, cho sản lượng mỗi năm trên 3,18 triệu tấn quả phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu. Theo Phó Giáo sư-Tiến sĩ Nguyễn Minh Châu, Viện trưởng Viện Cây ăn quả miền Nam, Đồng bằng sông Cửu Long hội đủ các điều kiện thuận lợi về thổ nhưỡng, nguồn nước, khí hậu...để trồng cây ăn quả nhằm tạo nguồn nông sản tiêu dùng và xuất khẩu ổn định, góp phần nâng cao mức sống của người dân.


Từ năm 2000 trở lại đây, tiềm năng kinh tế vườn của Đồng bằng sông Cửu Long được phát huy với nhiều cách tân quan trọng trong phương pháp trồng và chăm sóc, tuyển chọn cây giống chất lượng, hình thành các vùng chuyên canh hàng hóa lớn, ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật mới trong quá trình thâm canh mà nổi bật là trồng cây ăn trái theo hướng VietGAP và GlobalGAP...Các tỉnh trong khu vực đã hình thành được một số vùng sản xuất trái cây đặc sản hàng hóa tập trung gồm xoài cát Hòa lộc ở Tiền Giang và Tp Cần Thơ, xoài cát chu ở Đồng Tháp, bưởi Năm roi ở Vĩnh Long, Hậu Giang và Sóc Trăng; bưởi Da xanh ở Bến Tre; quít Hồng Lai Vung ở Đồng Tháp; thanh long ở Tiền Giang và Long An; vú sữa lò rèn ở Tiền Giang; dứa Queen ở Tiền Giang, Kiên Giang và Hậu Giang...Mùa vụ thu hoạch trái cây đồng bằng sông Cửu Long gần như quanh năm nhờ vào sự ưu đãi về mọi mặt của thiên nhiên và sự sáng tạo trong ứng dụng kỹ thuật xử lý cho trái mùa nghịch của nhà vườn, đảm bảo sản lượng cung ứng ổn định cho thị trường trong ngoài nước vào mọi thời điểm, giá bán cao, lợi nhuận lớn. 
Việc áp dụng đồng bộ và rộng rãi các tiến bộ kỹ thuật, quy trình canh tác, công nghệ sau thu hoạch...trong trồng cây ăn trái tại Đồng bằng sông Cửu Long đã mang lại hiệu quả cao hơn hẳn lối canh tác truyền thống, thiết thực đặt nền tảng cho nền nông nghiệp hàng hóa hội nhập, trong đó cây ăn trái được xem là thế mạnh hết sức quan trọng. Điều này có vai trò của Viện Cây ăn quả miền Nam thông qua các chương trình chuyển giao kỹ thuật và tiến bộ khoa học nghề vườn, phòng trừ sâu bệnh gây hại, nhân rộng các mô hình canh tác bền vững... 

Thông qua sự hợp tác giữa Viện Cây ăn quả miền Nam và các địa phương đã tổ chức được 25 mô hình sản xuất trái cây theo tiêu chí VietGAP, GlobalGAP với tổng diện tích trên 400 ha. Đặc biệt, sự hình thành quan hệ sản xuất mới trên lĩnh vực trồng cây ăn trái bằng cách tổ chức các tổ hợp tác và hợp tác xã chuyên canh theo hướng GAP đã góp phần giúp trái cây đặc sản Đồng bằng sông Cửu Long khẳng định được thương hiệu, mạnh bước thâm nhập các thị trường xuất khẩu lâu nay vốn rất khó tính vừa củng cố được mối liên kết 4 nhà, giúp giải quyết đầu ra cho trái cây Việt Nam nói chung và trái cây đồng bằng sông Cửu Long nói riêng. Đơn cử như chôm chôm (Bến Tre), thanh long (Tiền Giang và Long An) được Cơ quan Kiểm dịch Thực vật Hoa Kỳ cấp mã code xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ. Cuối năm 2012 vừa qua, xoài và thanh long cũng được cấp phép sang thị trường Hàn Quốc, Ốt-xtrây-li-a và Niu – Di - Lân. Dự kiến trong năm 2013 sẽ có thêm một số trái cây đặc sản khác dược Hoa Kỳ cấp mã số nhập khẩu như: nhãn, xoài, vú sữa. Ngoài ra, thông qua hoạt động của mình, các tổ hợp tác và hợp tác xã trồng cây ăn trái còn liên kết cung ứng hàng cho các doanh nghiệp, siêu thị ...

Đồng bằng sông Cửu long với những lợi thế về đất đai, lao động và điều kiện thuận lợi phát triển tiềm năng kinh tế vườn đang chứng minh vai trò vựa trái cây quan trọng của cả nước. Những năm qua tình hình xuất khẩu trái cây cả nước nói chung và Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng, đã phát triển tốt với sự thâm nhập và mở rộng thị trường xuất khẩu trên khắp các châu lục, Năm 2013, dự kiến kim ngạch xuất khẩu trái cây tăng trưởng không dưới 10% so năm 2012. Nếu năm 2011, trái cây Việt Nam được xuất khẩu sang 63 quốc gia thì hiện nay đã mở rộng lên 76 quốc gia. Trong số những trái cây chủ lực có lượng xuất khẩu lớn, thu về nhiều ngoại tệ có sự góp mặt của nhiều loại trái cây đặc sản vùng Đồng bằng sông Cửu Long: thanh long (chiếm trên 40% tổng kim ngạch xuất khẩu), dừa (chiếm 27,2% tổng kim ngạch), dứa (trên 16% tổng kim ngạch), mít (3,5%), bưởi (chiếm 1,6%), xoài (chiếm 1,5%), xơ ri (chiếm 1,1%)...

Từ đầu năm đến nay, nhiều mặt hàng trái cây chủ lực của Đồng bằng sông Cửu Long được mùa, được giá, nông hộ thu nhập cao gấp 2 – 3 lần so với trồng lúa năng suất cao. Điển hình như thanh long có lúc đạt 25.000 - 27.000 đôngd/kg, bưởi da xanh luôn giữ giá ổn định ở mức kỷ lục: 50.000 đ – 55.000 đồng/kg. Với giá trên, mỗi ha vườn chuyên canh cho lợi nhuận vài trăm triệu đồng nếu thu hoạch mùa thuận còn những hộ xử lý cho thu hoạch mùa nghịch lợi nhuận tăng gấp đôi. Nhiều nông hộ sản xuất giỏi đã thực sự làm giàu từ vườn quả chuyên canh. Đây là những tín hiệu vui cho ngành trồng cây ăn quả xuất khẩu của đồng bằng sông Cửu Long, đặt nền tảng phát huy tiềm năng kinh tế lớn này trong sự nghiệp đổi mới đất nước, giúp nông nghiệp – nông dân – nông thôn nơi đây phát triển vững chắc./. 

Nguồn tin: www.agroviet.gov.vn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây